Nếu bạn đang có ý định du lịch Hà Nam 1 ngày trong thời gian tới thì bài viết dưới đây chính là cuốn cẩm nang siêu chi tiết giúp bạn yên tâm và tự tin hơn. Bạn đang lo lắng và không biết nên đi Hà Nam vào mùa nào, chơi ở những đâu hay đi lại thế nào… thì chỉ cần cùng mình tìm hiểu hết bài viết này rồi xách balo lên và đi thôi!
1. Thời điểm lý tưởng để du lịch Hà Nam 1 ngày
Hà Nam là một trong những tỉnh thành tiêu biểu cho khí hậu nhiệt đới gió mùa miền Bắc với mùa hè nắng nóng và mùa đông lạnh, ít mưa. Ngoài ra, Hà Nam còn có hai khoảng thời gian giao giữa mùa giữa mùa mưa và mùa khô mà hình thành nên mùa xuân và mùa thu. Vậy nên nơi đây có đầy đủ 4 mùa trong năm xuân hạ thu đông, mỗi mùa đều có những đặc điểm và nét đẹp riêng.
- Nếu bạn ưa thích không khí lạnh thì những tháng cuối năm từ tháng 11 đến tháng 12 là thời gian thích hợp du lịch Hà Nam.
- Thời gian lý tưởng để du lịch Hà Nam 1 ngày đẹp nhất là vào mùa thu, khoảng từ tháng 8 đến tháng 10. Đặc biệt là cuối tháng 9 và đầu tháng 10. Lúc này mùa mưa ở Hà Nam thường đã kết thúc, trời xanh, nắng nhẹ, không khí mát mẻ… rất phù hợp để bạn có 1 chuyến hành trình khám phá Hà Nam tuyệt vời nhất.
- Thời điểm đẹp du lịch chùa Tam Chúc Hà Nam: bạn nên tới đây từ tháng 1 đến tháng 3 để được tham gia các lễ hội lớn đầu năm với nhiều hoạt động hấp dẫn diễn ra vào mỗi dịp mùa xuân về hoặc có thể ghé thăm Tam Chúc từ tháng 8 đến tháng 10 để ngắm sen nở. Đây là khoảng thời gian thiên nhiên Tam Chúc đẹp nhất và khí hậu cũng dịu mát nhất.
>>> Xem thêm: Cẩm nang BÍ KÍP du lịch Hà Nam đầy đủ, chi tiết nhất
2. Đến Hà Nam bằng cách nào?
2.1. Hà Nội - Phủ Lý
Từ Hà Nội và các tỉnh khác đến Hà Nam có rất nhiều cách di chuyển thuận tiện và nhanh chóng. Đặc biệt là thành phố Hà Nội cách Hà Nam chưa đến 60km. Với khoảng cách đó thì dù là tàu hỏa, xe bus, xe khách, xe máy hay ô tô, bạn cũng chỉ mất 1h đồng hồ là có thể tới Hà Nam rồi.
- Xe máy: Bạn di chuyển dọc theo quốc lộ 1A, qua cầu Giẽ rồi cứ thế đi thẳng sẽ tới Hà Nam. Bạn chú ý mang đầy đủ giấy tờ, đội mũ bảo hiểm đúng quy định và tuân thủ luật giao thông vì cảnh sát giao thông ở Hà Nam làm rất “chặt” đó.
- Xe buýt: Tại bến xe Giáp Bát (Hà Nội), bạn bắt chuyến xe số 206 Hà Nội - Phủ Lý. Cứ khoảng 15 phút là sẽ có 1 chuyến xe. Chi phí cực kỳ “hạt dẻ” chỉ 40.000 đồng/ người.
- Xe khách: Giá vé xe khách Hà Nội - Hà Nam dao động từ 50.000 - 60.000đ/chiều/người. Xe khách sẽ di chuyển vào cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ. Ngoài ra, có xe khách chạy dọc quốc lộ 1A qua Kim Bảng tới thành phố Phủ Lý.
2.2. Phủ Lý – Chùa Tam Chúc
Chùa Tam Chúc nằm ở thị trấn Ba Sao, xã Khả Phong, huyện Kim Bảng, Hà Nam. Chùa cách thành phố Phủ Lý gần 20km và cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 60km.
Từ thành phố Phủ Lý, bạn di chuyển về hướng quốc lộ 2B và đi tiếp khoảng 12km. Sau đó bạn đi vào thị trấn Ba Sao. Đến đây bạn sẽ gặp bảng chỉ dẫn vào chùa Tam Chúc. Hoặc nếu không thấy, bạn cứ hỏi bất kỳ người dân nào ở đây, họ sẽ nhiệt tình hướng dẫn bạn nhé.
3. Lịch trình gợi ý du lịch Hà Nam 1 ngày siêu hấp dẫn
Hà Nam là vùng đất du lịch tâm linh, không những có nhiều ngôi chùa nổi tiếng linh thiêng mà còn là điểm check-in vô cùng hot của giới trẻ hiện nay. Vậy nên trong chuyến du lịch Hà Nam 1 ngày hôm nay, mình sẽ cùng mọi người tìm hiểu, khám phá 3 ngôi chùa lớn và được du khách yêu mến nhất tại đây!
Lịch trình trong ngày:
- Sáng: Check-in tại ngôi chùa có khuôn viên lớn nhất thế giới - Chùa Tam Chúc Hà Nam
- Trưa: thưởng thức đặc sản Hà Nam và mua đặc sản Hà Nam làm quà
- Chiều:
+ Khám phá nét đẹp cổ kính tại chùa Bà Đanh
+ An yên quên lối về tại chùa Địa Tạng Phi Lai Tự
Bắt đầu hành trình khám phá thôi nào!!!
3.1. [7h - 8h] Hà Nội - Chùa Tam Chúc Hà Nam
Như mình đã chia sẻ ở mục 2, từ Hà Nội đến chùa Tam Chúc chỉ mất khoảng 1h đồng hồ nên bạn có thể sắp xếp giờ đi phù hợp với phương tiện và lịch trình của mình. Tốt nhất là nên có mặt tại chùa lúc 8h sáng để có thể tận hưởng không khí trong lành buổi sáng và có chuyến du lịch Hà Nam 1 ngày trọn vẹn nhất nha!
3.2. [8h - 11h30] Du lịch chùa Tam Chúc Hà Nam - ngôi chùa lớn nhất thế giới và cũng là “thiên đường check-in” mới của giới trẻ
Chùa Tam Chúc nằm trong quần thể khu du lịch Tam Chúc thuộc tỉnh Hà Nam. Phía sau chùa là núi Thất Tinh, phía trước là hồ Lục Ngạn (trong hồ có 6 hòn đảo nhỏ, theo tương truyền chính là 6 chiếc chuông mà ông trời đã ưu ái ban tặng cho thiên nhiên nơi đây).
Trước khi tìm hiểu và khám phá những điểm đến tại chùa Tam Chúc thì mình sẽ giới thiệu giá vé chùa Tam Chúc 2023 và “bản đồ chùa Tam Chúc” để mọi người có thể dễ dàng hình dung và thuận tiện đi lại nhé!
Bảng giá vé Tam Chúc 2023 chi tiết:
Mục | Chi phí | Note |
Đi thuyền | 200.000 đồng/người/khứ hồi | - Vé chỉ có giá trị sử dụng trong ngày - Đi thuyền thì sẽ có thêm lịch trình dừng lại ở 1 số điểm cho bạn vào tham quan trước khi đến chùa chính - Thời gian di chuyển tầm 45 - 60 phút tính cả thời gian dừng chân 1 vài điểm để bạn tham quan. Còn chiều về thẳng thì tầm 25 phút |
Đi thuyền VIP (bao gồm buffet đồ ngọt 1 chiều) | 240.000 /người/khứ hồi | |
Đi xe điện | 90.000 đồng/người/khứ hồi | Vé chỉ có giá trị sử dụng trong ngày |
Gửi xe máy | 15.000 đồng/chiếc | Vé chỉ có giá trị sử dụng trong ngày |
Suất ăn chay trong khu ẩm thực | 59.000 đồng/suất/người | |
Chi phí khác | - Tiền dâng hương (tùy tâm), bạn có thể bỏ tiền ủng hộ chùa vào hòm công đức. Theo kinh nghiệm hay đi chùa của mình thì bạn nên dâng tiền lẻ nha, và tất cả những gì liên quan đến chùa chiền, thắp hương như số nén nhang, số lượng quả, bông hoa… cũng đều phải là số lẻ hết. - Quà lưu niệm: bên cạnh khu ẩm thực còn có quầy lưu niệm, bạn có thể mua quà cho người thân, bạn bè tại đây. - Tại chùa Tam Chúc Hà Nam có dịch vụ du thuyền đưa khách thưởng thức ẩm thực lênh đênh trên sông. Tiệc thường diễn ra trong khung giờ 16h30 - 18h30 hàng ngày. Các bạn có thể thưởng thức những món ngon, nghe những giai điệu Bắc Bộ, và ngắm hoàng hôn trên hồ Lục Nhạc cực “chill”. |
Bản đồ chùa Tam Chúc: Bạn có thể tưởng tượng tổng thể chùa Tam Chúc tạo thành 1 vòng tròn. Ở giữa là hồ nước. Nhà khách Thủy Đình (là nơi bán vé và đối diện với bãi gửi xe) là điểm 6h. Còn khu vực điện, chùa chính tham quan nằm tại điểm 12h. Hướng xe điện đưa đón khách chạy theo hướng 6h đến 12h theo chiều kim đồng hồ nhé!
- Nhà khách Thủy Đình - Nơi bán vé
Nhà khách Thủy Đình là địa điểm đầu tiên bạn thấy khi tới chùa Tam Chúc. Đây là địa điểm để bạn vào mua vé vào chùa và tham khảo các thông tin về chùa Tam Chúc. Bạn sẽ được lựa chọn mua vé đi vào chùa bằng thuyền hoặc xe điện.
Bên trong nhà khách được bày biện rất trang nghiêm. Những bức tranh, ảnh mô phỏng toàn cảnh chùa Tam Chúc được gắn kèm đèn led vô cùng đẹp. Ngoài ra, nhà khách Thủy Đình cũng chính là địa điểm “sống ảo” quen thuộc của các du khách.
- Cổng Tam Quan
Cổng Tam Quan được mệnh danh là biểu tượng của chùa Tam Chúc. Đúng như cái tên, nơi đây được thiết kế theo 3 cổng, gồm 1 cổng chính và 2 cổng phụ. Trước cổng là bến thuyền và điểm trả khách của xe điện. Hai bên cổng Tam Quan là hai con đường lớn để bạn đi bộ lên các chính điện lớn của chùa, khá giống với thiết kế tại chùa Tam Chúc.
- Vườn Cột Kinh
Nếu đã tới được cổng Tam Quan, bạn đi tiếp sẽ thấy vườn Cột Kinh với 32 cột kinh khổng lồ được đặt theo hàng lối vô cùng nghiêm trang. Lấy ý tưởng từ bảo vật quốc gia Cột Kinh chùa Nhất Trụ ở cố đô Hoa Lư, vườn Cột Kinh chùa Tam Chúc được phục dựng lại với quy mô không hề kém cạnh.
Mỗi cột nặng khoảng 200 tấn, được làm từ đá xanh Thanh Hóa. Các cột đá được thiết kế với chân cột là đài sen, thân cột hình lục giác, điêu khắc thủ công các lời Phật dạy, đỉnh cột là hình nụ sen đặc trưng.
- Tham quan tam điện nguy nga, tráng lệ
Chùa Tam Chúc có 3 chính điện là điện Tam Thế, điện Pháp Chủ và điện Quan Âm. Mỗi điện đều thờ một vị Phật theo những ý nghĩa khác nhau. Tuy nhiên, cả 3 điện đều có những bức phù điêu được tạc thủ công bằng đá lấy từ miệng núi lửa tại Indonesia.
Mỗi bức phù điêu đều mang những câu chuyện về cuộc đời Đức Phật, bạn có thể hỏi các hướng dẫn viên trong chùa để được giải thích kĩ hơn về sự tích này. Phía dưới mỗi bức tường đều có chú thích bằng 3 thứ tiếng, nếu không có hướng dẫn viên đi cùng, bạn có thể tự check mã để tìm hiểu về những ý nghĩa lịch sử của bức tranh (xịn xò thực sự mọi người ạ).
- Chùa Ngọc
Đến được chùa Ngọc là một trong những thử thách dành cho du khách khi tới tham quan chùa Tam Chúc. Khi đi qua Tam Điện, bạn sẽ phải đi bộ và leo bậc thang một đoạn khá xa.
Bù lại, khi tới chùa, bạn sẽ không khỏi bất ngờ bởi lối kiến trúc độc đáo, khung cảnh hùng vĩ của thiên nhiên khi nhìn từ trên cao. Chùa Ngọc được chế tác hoàn toàn từ đá granite và hoàn toàn không dùng bê tông. Vậy nên dù diện tích sàn chỉ có 13m2 nhưng ngôi chùa này có mức nặng khoảng 2000 tấn.
- Đình Tam Chúc
Đình Tam Chúc nối với chùa Tam Chúc bằng một cây cầu bắc ngang qua hồ Lục Ngạn. Nơi đây là đình thờ Hoàng hậu Dương Thị Nguyệt thời nhà Đinh. Theo tương truyền trước kia trong cuộc chiến dẹp loạn 12 sứ quân, Đinh Bộ Lĩnh đã đến đây để chiêu mộ binh mã.
Khi thắng trận và lên ngôi hoàng đế, nhà vua đã ra lệnh cho xây đền thờ tại đây. Khi đi trên cầu dẫn đến Đình, bạn sẽ được chiêm ngưỡng khung cảnh mênh mông của hồ Lục Ngạn - hồ nước tự nhiên có diện tích lớn nhất Việt Nam. Dưới đáy hồ có rất nhiều loài động thực vật thiên nhiên sinh sống. Vào mùa sen nở, dạo bước trên hồ sẽ như được lạc vào chốn tiên cảnh bình yên.
Lưu ý: Mỗi ngày, chùa Tam Chúc sẽ mở cửa và tiếp đón du khách đến 9 giờ tối.
Để khám phá trọn vẹn vẻ đẹp và những trải nghiệm tuyệt vời tại chùa Tam Chúc thì bạn nên dành hẳn 1 ngày trong chuyến du lịch Hà Nam 2 ngày 1 đêm là lý tưởng nhất!
3.3. [11h30 - 14h] Ăn trưa, nghỉ ngơi
Gần khu du lịch Tam Chúc có khá nhiều nhà hàng, quán ăn. Tại đây bạn có thể thoải mái lựa chọn những món đặc sản Hà Nam để thưởng thức trong bữa trưa của mình như: cá kho niêu làng Vũ Đại, bánh cuốn Phủ Lý, bún cá rô đồng, bún Tái Kênh, thịt dê núi, cá trối Hà Nam...
Không chỉ là món ăn quen thuộc với nhiều gia đình Hà Nam, cá kho niêu đất Vũ Đại còn nổi tiếng gần xa và là niềm tự hào của người dân nơi đây. Cầu kỳ ngay từ công đoạn chọn nguyên liệu, tẩm ướp gia vị, cho đến thời gian kho liên tục trong niêu đất lên đến 12 tiếng.
Cá kho niêu đất có mùi vị đặc trưng, vị ngon hấp dẫn không nơi nào có được. Thịt cá kho thơm ngọt, đậm vị, khúc cá không bị nát mà xương cũng mềm, đây được xem là món đặc sản Hà Nam số 1 cho bạn nếu có dịp ghé thăm mảnh đất này.
Bánh cuốn Phủ Lý có hương vị đặc biệt và lạ miệng. Nếu như ở những địa phương khác người ta thường ăn bánh cuốn kèm với chả quế hay chả lụa thì tại Phủ Lý, bánh cuốn lại được ăn với với thịt nướng hình hoa cải.
Từng miếng thịt nướng thơm ngon, béo ngậy ăn với với rau xanh sống, hoa chuối thái rối và những cái bánh cuốn mới tuyệt hảo làm sao. Nếu có dịp du lịch Hà Nam thì các bạn nhất định không được bỏ qua món ngon này nhé!
Khi đi du lịch Hà Nam, bạn có thể mua đặc sản Hà Nam làm quà cho gia đình, bạn bè những món đặc sản mang riêng nét đặc trưng của vùng đất này như: chuối ngự Đại Hoàng, bánh chưng làng Đầm, rượu làng Vọc, quýt Lý Nhân, hồng Nhân Hậu...
3.4. [14h - 15h] Chùa Bà Đanh
Chùa Bà Đanh hay còn gọi “Bảo Sơn Nữ”, tọa lạc trên một vùng đất tại thôn Đanh Xá, xã Ngọc Sơn, huyện Kim Bảng, Hà Nam. Chùa có diện tích khoảng 10ha, được xem là một trong những ngôi chùa đẹp và cổ kính nhất Hà Nam nói riêng và của miền Bắc nói chung bởi ngôi chùa có vị trí là nơi sơn thủy hữu tình. Khuôn viên chùa là một tổng thể bao gồm nhiều công trình kiến trúc nghệ thuật với gần 40 gian nhà lớn nhỏ.
Chùa Bà Đanh có cảnh quan sơn thuỷ hữu tình, thanh u, cô tịch, nổi tiếng linh thiêng. Chùa có vẻ đẹp cổ kính, thâm nghiêm vào loại hiếm có của Hà Nam. Về tên gọi chùa Bà Đanh, theo truyền thuyết của địa phương, chùa thờ nữ thần linh thiêng trông coi việc điều mưa khiển gió, giúp dân trừ lũ lụt, đem lại mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu nên được gọi là chùa Đức Bà làng Đanh, gọi tắt là chùa Bà Đanh như tên gọi ngày nay.
Có nhiều cách lý giải về sự ra đời của câu nói “vắng như chùa Bà Đanh” nhưng theo ý kiến của nhiều người, là do chùa Bà Đanh nằm ở vị trí xa dân cư, ba mặt là sông, rừng rậm chắn, lối đi độc đạo, lại có nhiều thú dữ nên không ai dám vào. Cách duy nhất an toàn là chèo thuyền qua sông Đáy nhưng vì bất tiện nên người hành hương thưa thớt.
Cũng giống như nhiều ngôi chùa khác của miền Bắc, chùa Bà Đanh thờ Phật và Tứ Pháp: Pháp Vân, Pháp Điện, Pháp Vũ, Pháp Phong. Đây là thờ tín ngưỡng thiên nhiên gắn liền với đời sống nông nghiệp của người dân.
>>> Xem thêm: Review Melia Vinpearl Phu Ly: Giá phòng, ăn ở, đi lại, vui chơi
3.5. [15h - 17h] Chiêm ngưỡng vẻ đẹp bình yên tại chùa Địa Tạng Phi Lai Tự
Chùa Địa Tạng Phi Lai Tự là địa điểm du lịch Hà Nam khiến ai đã từng đặt chân đến đây đều phải cảm thán bởi vẻ đẹp rất riêng và không gian yên bình, linh thiêng nơi đây. Ngôi chùa nổi tiếng đẹp và thanh tịnh được nhiều du khách cũng như người dân địa phương yêu mến này không chỉ là chốn thờ tự linh thiêng, mà còn là nơi sinh hoạt tâm linh của người dân trong vùng, hướng con người đến với những giá trị chân thiện mỹ.
Ngay trước khu Tổ đường, thay vì lát gạch đỏ như thông thường thì bạn sẽ bắt gặp 12 vòng tròn được vẽ trên nền sỏi tượng trưng cho 12 nhân duyên của con người. Sỏi trắng mang ý nghĩa của sự thiền định. Dạo trong khuôn viên chùa, nhìn những viên sỏi trắng tinh khiến cho lòng người trở nên thanh tịnh.
Tương tự như bố cục của những ngôi chùa truyền thống khác, chùa Địa Tạng Phi Lai Tự gồm có tòa Tam Bảo lớn nhất với tượng Đức Địa Tạng uy nghiêm nhưng cũng không kém phần hiền lành.
Bên phải là nhà thờ Tổ để thờ các vị sư trụ trì theo các đời. Bên cạnh đó, chùa còn có tòa điện nhỏ thờ Phật Bà Quan Thế Âm, Đức Ông và Đức Thánh Hiền, khu nhà ở (dành cho Tăng ni – Phật tử ở trong chùa), khu giảng đường (nơi các Tăng ni – Phật tử nghe sư trụ trì giảng đạo hàng ngày và diễn ra các khóa tu tại đây), khu nhà khách (dành cho những du khách thập phương và những người tham gia các khóa tu, các trải nghiệm tại chùa).
Ở khuôn viên của chùa, bạn sẽ tìm thấy các khu vườn trái cây, các thảo dược, thuốc chữa bệnh, rau rừng… tất cả đều được chăm sóc bởi các sư và người dân. Dưới chân núi, chùa có xây dựng một nhà trồng nấm khoảng 20m2 để cung cấp lương thực sạch cho các bữa lẩu chay hoặc để làm ruốc.
Chùa Địa Tạng Phi Lai Tự thu hút rất nhiều người dân địa phương và du khách viếng thăm mỗi năm. Đây không chỉ là nơi thờ tự linh thiêng mà còn mang đến cho bạn sự thanh tịnh và thoải mái trong tâm hồn.
Địa Tạng Phi Lai Tự là điểm dừng chân cuối cùng trong chuyến du lịch Hà Nam 1 ngày của mình. Để giới thiệu về danh lam thắng cảnh ở Hà Nam thì nơi đây còn rất nhiều nơi đáng để bạn ghé thăm như: du lịch Kim Bảng, Hà Nam; Bát Cảnh Sơn Hà Nam…. Nếu có dịp, bạn đừng bỏ qua những địa điểm hấp dẫn này nhé!
4. Những lưu ý khi du lịch Hà Nam cho chuyến đi trọn vẹn
Do các điểm đến trong chuyến du lịch Hà Nam 1 ngày của chúng ta đều là những ngôi chùa nổi tiếng, linh thiêng, vậy nên các bạn nên lưu ý một số điểm sau để chuyến đi của mình được thuận lợi, vui vẻ và trọn vẹn nhất nha:
- Trang phục: ăn mặc kín đáo, lịch sự, phù hợp với thuần phong mỹ tục khi thăm cúng, vãn cảnh tại chốn tâm linh.
- Đi lại cẩn thận, ăn nói nhẹ nhàng, không lành ảnh hưởng đến vẻ thanh tịnh của chùa
- Tránh bỏ tiền lên các tượng Phật làm mất mỹ quan khu chùa mà thay vào đó bạn nên để đúng vào các hòm công đức nơi đây.
- Khi gặp quý sư thầy, sư cô, bạn nên chắp tay hình búp sen ngang ngực và cúi người chào “A Di Đà Phật, con kính chào thầy ạ” hoặc mỉm cười khi gặp các bạn đồng tu khác nhé!
Đặc biệt đối với chùa Tam Chúc:
- Vì chùa có khuôn viên rất rộng, bạn phải đi bộ khá nhiều và còn phải leo bậc thang nữa nên nếu đi vào mùa hè thì nhớ mặc quần áo nhẹ nhàng, giày bệt/ giày thể thao + nước uống + đồ ăn nhẹ mang theo chống đói.
- Ngoài ra bạn nên chuẩn bị sẵn bản đồ hoặc xem bản đồ trước tại Cổng Tam Quan để tránh mất thời gian đi lòng vòng trong khu du lịch chùa Tam Chúc có diện tích lên tới 4000ha nha.
Chỉ cần một chiếc xe máy đầy xăng và một chiếc balo nhỏ gọn cùng những kinh nghiệm mình chia sẻ trên đây là bạn đã có ngay chuyến du lịch Hà Nam 1 ngày khám phá hết vẻ đẹp non nước nơi đây rồi.