
1. Thành cổ Châu Sa ở đâu? Hướng dẫn đường đi
Thành cổ Châu Sa nằm ở xã Tịnh Châu, TP. Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi. Nơi đây cách trung tâm TP Quảng Ngãi khoảng 6km, cách cửa biển Cổ Lũy khoảng 8km. Vị trí của thành cổ Châu Sa ở Quảng Ngãi rất đặc biệt. Phía Nam giáp sông Trà Khúc - dòng sông lớn nhất tỉnh Quảng Ngãi, phía Bắc giáp sông Hàm Giang, tạo nên một thế đất chiến lược quan trọng.
Thành Châu Sa là thành đất duy nhất của người Chăm Pa còn sót lại tại Việt Nam, với những dấu tích rõ ràng về vị trí, quy mô và vai trò lịch sử đối với vùng đất nay thuộc tỉnh Quảng Ngãi. Năm 1994, thành Châu Sa chính thức được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ VH-TT&DL) công nhận là di tích lịch sử văn hóa quốc gia.
Hướng dẫn đường đi thành Châu Sa từ trung tâm TP Quảng Ngãi:
- Xuất phát từ trung tâm TP Quảng Ngãi, du khách đi theo Quốc lộ 1A, sau đó rẽ phải vào đường Hoàng Sa.
- Tại vòng xuyến, đi theo lối ra thứ 3 vào QL24B. Sau đó, tiếp tục rẽ trái, đi thêm 300m thì rẽ phải tại Bưu Điện Văn Hóa Xã Tịnh Châu.
- Tại đây, bạn đi khoảng 300 m nữa thì rẽ trái là đến thành cổ Châu Sa Tịnh Châu Sơn Tịnh Quảng Ngãi.

2. Lịch sử hình thành thành cổ Châu Sa Quảng Ngãi
Thành cổ Châu Sa Quảng Ngãi mang trong mình lịch sử hơn 1.000 năm, gắn liền với sự phát triển của vương quốc Chăm Pa. Người có công khai quật và đưa di tích này ra ánh sáng là kiến trúc sư kiêm nhà khảo cổ học người Pháp H. Parmentier.
Năm 1924, ông phát hiện một bia đá tại thành, có niên đại năm 903, khắc thông tin về hai vị vua đầu tiên của vương triều Indrapura (875-982): Indravarman II và Yaya Simhavarman. Điều này chứng minh thành Châu Sa đã tồn tại từ cuối thế kỷ 9 đến thế kỷ 10, dưới triều đại Indrapura.
Theo các thư tịch cổ của Trung Quốc và Việt Nam, vương triều Indrapura bắt đầu từ năm 875 khi Indravarman II lên ngôi. Ông đã chuyển kinh đô Chăm Pa từ châu Panduraga (nay là Ninh Thuận, Bình Thuận) ra phía Bắc, đến châu Amaravati (nay là Quảng Nam, Quảng Ngãi).

Từ đầu thế kỷ 15, thành Châu Sa chứng kiến nhiều biến động lịch sử. Năm 1402, nhà Hồ chiếm vùng đất này, nhưng đến năm 1407, vua Chăm Pa giành lại Amaravati khi nhà Minh tấn công nhà Hồ. Đến năm 1471, vua Lê Thánh Tôn chinh phục toàn bộ Amaravati, đổi tên thành thừa tuyên Quảng Nam. Thành cổ Châu Sa ở Quảng Ngãi lúc này có thể đã được sử dụng như một vệ thành của nhà Lê.
Trải qua thời gian, di tích Châu Sa dần bị lãng quên. 70 năm sau phát hiện của H. Parmentier, thành được công nhận là di tích lịch sử văn hóa quốc gia vào năm 1994. Ngày nay, thành là địa điểm tham quan, du lịch nổi tiếng của tỉnh Quảng Ngãi.

3. Thành Châu Sa có gì?
Khi nhắc đến du lịch Quảng Ngãi, thành cổ Châu Sa là một điểm đến không thể bỏ qua với kiến trúc độc đáo và giá trị lịch sử sâu sắc.
3.1. Kiến trúc thành độc đáo
Thành Châu Sa nổi bật với hai lớp thành: thành nội và thành ngoại. Điểm đặc biệt là giữa hai lớp thành này, ở phía nam, có hai gọng thành hình càng cua đối xứng qua trục Nam - Bắc. Gọng thành phía Tây dài gần 700m, bắt đầu từ góc Tây Nam thành nội, còn gọng phía Đông dài khoảng 500m, xuất phát từ góc Đông Nam. Dù chỉ được đắp bằng đất, nhưng quy mô và vị trí chiến lược của thành cho thấy tầm quan trọng của nó trong lịch sử Chăm Pa.
3.1.1. Thành nội
Thành nội có hình chữ nhật gần vuông (580 m x 540 m), cạnh dài theo hướng Bắc - Nam. Tường thành cao 4 - 6m, chân rộng 20 - 25m, mặt thành rộng 5 - 8m, xung quanh là hào nước rộng 20 - 25 m.
Thành nội có 5 cửa: Đông, Tây, Nam, Bắc và Tây Nam. Các cửa Đông, Nam và Tây Nam được xây bằng gạch, nhô cao, có thể là các vọng lâu. Đặc biệt, cửa Nam được gia cố công phu, được xem là cửa chính của thành cổ Châu Sa Quảng Ngãi.

3.1.2. Thành ngoại
Thành ngoại tận dụng địa hình tự nhiên như đồi núi thấp, sông ngòi và ao đầm để tạo thành một lớp phòng thủ kiên cố. Thành chỉ đắp ba cạnh ở phía Tây, Đông và Bắc, trong đó phía Tây và Đông được xây chắc chắn, còn phía Bắc dựa vào núi. Phía Nam hướng ra sông Trà Khúc không có bờ thành, tận dụng dòng sông làm rào chắn tự nhiên.

3.2. Những di tích, di vật khai quật được tại thành Châu Sa
Các cuộc khai quật tại di tích thành cổ Châu Sa đã phát hiện nhiều hiện vật giá trị, như lò gốm tại Núi Chồi, xã Tịnh Châu. Lò này được khoét vào sườn đồi, tường xếp bằng đá, sản xuất các tấm đất nung mang nội dung Phật giáo.
Theo nhà nghiên cứu Ngô Văn Doanh, những tiểu phẩm này có kích thước đồng nhất (cao 6,5cm, rộng 4cm, dài 1 cm), hình cánh sen nhọn, bên trong khắc hình Đức Phật. Sự tương đồng với các hiện vật ở Thái Lan cho thấy thành Châu Sa cũng là một trung tâm giao thương và tôn giáo quan trọng của Chăm Pa.

3.3. Không gian cổ kính, thanh bình
Đến với thành cổ Châu Sa Tịnh Châu Sơn Tịnh Quảng Ngãi, du khách không chỉ chiêm ngưỡng dấu tích lịch sử mà còn tận hưởng không gian yên bình, cổ kính. Những hình ảnh của thành cổ Châu Sa với tường đất nhuốm màu thời gian, hào nước xanh mát và khung cảnh làng quê thanh tịnh sẽ khiến bạn cảm nhận được hơi thở của một thời vàng son.

4. Những lưu ý khi đến thành cổ Châu Sa
Khi tham quan thành cổ Châu Sa ở Quảng Ngãi, bạn cần lưu ý:
- Giá vé tham quan thành cổ là miễn phí, không mất vé vào cửa
- Thời điểm lý tưởng để ghé thăm là từ tháng 4 đến tháng 8, khi thời tiết khô ráo, thuận lợi cho việc khám phá
- Nên mang giày dép thoải mái dễ di chuyển trong hành trình tham quan
- Tôn trọng di tích, không xả rác hay làm hư hại hiện vật
- Chuẩn bị nước uống và mũ nón, kem chống nắng, kính râm để bảo vệ cơ thể

5. Các điểm tham quan, vui chơi gần thành Châu Sa
Sau khi khám phá thành Châu Sa, bạn có thể kết hợp tham quan các điểm đến nổi bật gần đó như:
- Chùa Thiên Ấn (cách khoảng 5,9 km): Ngôi chùa hơn 300 năm tuổi nằm trên núi Thiên Ấn, nổi tiếng với chuông thần và giếng Phật, mang đến không gian tâm linh thanh tịnh.
- Biển Mỹ Khê Quảng Ngãi (cách khoảng 6,7 km): Bãi biển tuyệt đẹp với cát trắng mịn, nước trong xanh, là điểm đến lý tưởng để thư giãn sau hành trình khám phá.
- Chùa Minh Đức (cách khoảng 8,2 km): Ngôi chùa chưa hoàn thiện nhưng đã thu hút đông đảo du khách bởi kiến trúc độc đáo và không gian yên bình.
- Vincom Plaza Quảng Ngãi (cách khoảng 9,6 km): Đây là trung tâm thương mại hiện đại bậc nhất Quảng Ngãi. Đến đây, bạn có thể thỏa thích mua sắm, ăn uống và giải trí sau chuyến đi.

Thành cổ Châu Sa không chỉ là một di tích lịch sử quý giá mà còn là điểm đến lý tưởng cho những ai muốn tìm hiểu về văn hóa Chăm Pa và khám phá vẻ đẹp cổ kính của Quảng Ngãi. Với vị trí thuận lợi, kiến trúc độc đáo và không gian thanh bình, nơi đây chắc chắn sẽ để lại trong bạn những ấn tượng khó quên. Hãy lên kế hoạch ghé thăm thành cổ Châu Sa ở Quảng Ngãi để tự mình cảm nhận nét đẹp ngàn năm này nhé!
Ngoài Quảng Ngãi, Việt Nam còn nhiều điểm đến có các di tích lịch sử, cảnh đẹp thiên nhiên phong phú như Phú Quốc, Nha Trang, Hội An, Hạ Long… để bạn thỏa thích khám phá. Không chỉ có nhiều di tích lịch sử, chùa chiền nổi tiếng, văn hóa, ẩm thực độc đáo, các điểm đến này còn có tiện ích vui chơi, nghỉ dưỡng đa dạng. Trong đó phải kể đến Vinpearl – hệ thống nghỉ dưỡng sang trọng, đẳng cấp hàng đầu với không gian sang trọng, dịch vụ chuyên nghiệp.

Hệ thống khách sạn, resort Vinpearl tọa lạc bên những bãi biển tuyệt đẹp. Tất cả đều có không gian phòng nghỉ sang trọng, tiện nghi hiện đại cùng chuỗi tiện ích hấp dẫn như: bể bơi lớn, spa, nhà hàng, sân golf… Nơi đây hứa hẹn mang đến cho bạn một kỳ nghỉ dưỡng lý tưởng thảnh thơi, trọn vẹn bên gia đình, bạn bè.

Nghỉ dưỡng tại Vinpearl, du khách sẽ được thuận tiện vui chơi, khám phá VinWonders. Công viên chủ đề, công viên giải trí VinWonders quy tụ hàng loạt trải nghiệm giải trí đỉnh cao như các trò chơi cảm giác mạnh kịch tính, công viên nước sôi động, các show diễn hoành tráng, mãn nhãn…
