Bánh hoa hồng trắng Hội An là món ăn ngon lạ nức tiếng của phố cổ. Bánh đã có từ lâu đời, giống như một chất keo gắn kết giá trị ẩm thực truyền thống và hiện đại. Vị bánh mềm tan khiến thực khách khi đi du lịch Hội An lần đầu thưởng thức đã phải tò mò tìm cho ra công thức chế biến.
1. Bánh hoa hồng trắng Hội An là bánh gì?
Bánh hoa hồng trắng là đặc sản lâu đời của Hội An. Bánh đã xuất hiện từ hơn 100 năm trước, giống như vật “gia bảo” lưu truyền mà người dân Hội An hãnh diện và tự hào.
Bánh hoa hồng trắng bao gồm bánh bao và bánh vạc. Vốn dĩ được gọi là bánh hoa hồng trắng vì chúng có hình dạng nhỏ xinh, nhân thịt hồng ở bên trong, vỏ gạo trắng mỏng bọc bên ngoài, chúm chím như những đóa hồng.
Bánh bao và bánh vạc thực chất là hai loại bánh khác nhau. Vì chúng có cách làm gần giống nhau, lại luôn xuất hiện cạnh nhau khi bày trên đĩa nên được gọi chung là bánh hoa hồng trắng. Sự khác biệt giữa bánh bao và bánh vạc là ở hình dáng. Bánh bao hoa hồng trắng Hội An có hình tròn, nhỏ hơn những chiếc bánh bao thông thường một chút. Miệng bánh bao được nặn xòe ra mang dáng vẻ của một bông hoa. Bánh vạc thì trông hao hao bánh bột lọc. Bánh có hình dạng khuyết giống như mặt trăng, như quai vạc nên được gọi là bánh vạc.
Bánh bao bánh vạc được xếp khéo léo và tinh tế trên cùng một đĩa, rắc thêm ít hành khô, ăn kèm với nước chấm. Bánh mang hương vị “rất phố cổ”, phảng phất nét truyền thống và khiến người ta phải quyến luyến. Vỏ bánh làm từ gạo trắng mềm mềm, thơm thơm, nhân tôm thịt ngọt đậm đà, quyện lại với nhau và tan ra trong miệng khiến thực khách ai nấy đều phải gật gù tấm tắc khen ngon.
>>> Khám phá ngay 20 món đặc sản Hội An ngon nức tiếng trong và ngoài nước kèm địa chỉ ăn được yêu thích tại Hội An
2. Cách làm bánh hoa hồng trắng Hội An
Bánh bao bánh vạc hoa hồng trắng Hội An thực chất không khó làm. Thứ quyết định độ ngon của bánh nằm ở cách chọn nguyên liệu, sự công phu, tỉ mỉ và kinh nghiệm gia truyền trong quá trình chế biến.
Nguyên liệu chính mà bạn cần phải chuẩn bị gồm có:
- Gạo: Chọn loại gạo lúa mới, có mùi thơm, hạt chắc mẩy, đều hạt
- Tôm: Chọn tôm đất tươi, có mình chắc, nhiều thịt
- Thịt: Thịt heo sạch, có cả nạc cả mỡ để bánh đỡ bị khô
- Các nguyên liệu khác: Hành lá, mộc nhĩ, nấm hương, giá đỗ, hạt tiêu và gia vị
Quy trình làm bánh hoa hồng trắng Hội An chia làm 4 giai đoạn chính:
Làm vỏ bánh
- Vỏ bánh bao bánh vạc được làm từ gạo lúa mới. Sau khi chuẩn bị gạo, bạn đem đi vo sạch rồi xay thành bột. Để cho ra được vỏ bánh trắng mịn đúng chuẩn, nước dùng để xay gạo phải là nước giếng tinh khiết, không chứa phèn hay tạp chất.
- Bước tiếp theo là chắt bột gạo ra khỏi nước, người Hội An gọi là “bồng bột”. Thông thường sẽ chắt khoảng 15-20 lần, đến khi nào bột lắng xuống bên dưới, phần nước trong veo thì lọc lấy bột ra nhào lại rồi cho vào thau sạch, nhồi thành khuôn dài.
Làm nhân bánh
- Trước khi nặn nhân bánh cần sơ chế trước các nguyên liệu đã chuẩn bị. Tôm đem rửa sạch, lọc lấy phần thịt tôm rồi giã kỹ. Thịt heo rửa sạch rồi đem băm nhỏ.
- Nhân bánh bao và bánh vạc có khác biệt đôi chút. Nhân bánh bao sử dụng nguyên liệu chính là thịt tôm trộn cùng gia vị như hành, tiêu, muối,... Nhân bánh vạc đa dạng hơn, kèm theo cả thịt heo, mộc nhĩ, nấm hương, giá đỗ, hành, tiêu, gia vị,... Vào mùa măng, người Hội An còn tận dụng thêm măng để làm nhân bánh. Sau khi trộn đều các nguyên liệu làm nhân bánh với nhau thì bắc chảo lên, xào chín trước khi gói.
Gói bánh
- Gói bánh được xem là công đoạn khó nhất khi làm bánh hoa hồng trắng Hội An. Người gói bánh phải thật tập trung và tỉ mỉ mới cho ra được những chiếc bánh đẹp đẽ, xinh xắn và đều tay.
Các bước gói bánh:
- Chuẩn bị một chén dầu ăn nhỏ, dùng hai ngón tay nhúng vào chén dầu để khi nhào bột không bị dính.
- Bột đã nhồi thành khuôn đem ngắt nhỏ thành từng cục, dùng tay vê dần, tán cục bột thành miếng vỏ thật mỏng và đều. Nhấn ngón tay cái vào giữa để vỏ bánh lún xuống, tạo khoảng trống để nhồi nhân bánh vào.
- Cẩn thận và khéo léo nhồi nhân bánh vào khoảng trống. Bánh vạc thì túm dần vỏ bánh lại thành hình quai vạc. Bánh bao thì viền nhẹ vỏ bánh thành hình dáng hoa hồng.
- Đem bánh xếp vào nồi hấp cách thủy trong khoảng 15 phút, bánh chín sẽ có vỏ màu trắng trong.
Pha chế nước mắm
Bánh hoa hồng trắng Hội An có được tròn vị hay không phụ thuộc không nhỏ vào nước chấm. Một bát nước chấm đạt chuẩn là sự kết hợp hài hòa của 3 vị chua, cay, ngọt lại với nhau.
- Bạn chọn loại nước mắm ngon, cho thêm chút nước theo tỉ lệ nhất định. Sau đó thêm ớt dầm hoặc ớt tươi, thêm chanh vào và đảo đều. Nước chấm có màu vàng sóng sánh, thơm nồng, ngọt vừa đủ, cay tê tê ở lưỡi khi nếm thử và không quá chua.
>>> Xem thêm Mì Quảng - 3 cách nấu SIÊU HẤP DẪN chuẩn vị miền Trung
3. Bày trí và thưởng thức bánh hoa hồng trắng Hội An
Bánh bao bánh vạc sau khi hấp chín được bày ra đĩa, đặt bên trên lớp lá xanh được dùng để lót đĩa. Bánh bao thường được xếp ở giữa, bánh vạc bao xung quanh. Để món ăn thêm hấp dẫn, hãy rắc một lớp hành khô phi vàng lên trên. Bên cạnh là bát nước chấm chua ngọt đang dậy mùi.
Gắp lên một miếng bánh, chấm vào bát nước chấm đậm đà, đưa lên miệng và thưởng thức, bạn sẽ thấy các hương vị khác biệt trong phút chốc bỗng hòa quyện lại với nhau thật hài hòa. Đầu lưỡi hơi cay tê tê, vỏ bánh mềm mềm, nhân bánh ngậy và đậm đà tan ra kích thích mọi giác quan của bạn.
4. Gợi ý địa điểm thưởng thức bánh hoa hồng trắng Hội An ngon chuẩn vị
Để thưởng thức bánh hoa hồng trắng thơm ngon chuẩn vị ở Hội An, bạn có thể ghé qua những địa điểm sau:
4.1. Lò bánh bao bánh vạc - Bông Hồng Trắng
- Địa chỉ: 533 Hai Bà Trưng, phường Cẩm Phổ, thành phố Hội An, Quảng Nam
- Giờ mở cửa tham khảo: 7:30 - 20:30
- Giá tham khảo: 50.000 - 100.000 VNĐ/ món
Nhắc đến địa chỉ bán bánh bao bánh vạc ngon ở Hội An, không thể bỏ qua nhà hàng Bông Hồng Trắng. Đây là một trong những nhà hàng nhận được rất nhiều review tốt từ người dân địa phương cũng như khách du lịch. Ở nhà hàng này, bạn sẽ được theo dõi trực tiếp quá trình người thợ làm bánh, vô cùng chuyên nghiệp và khéo léo. Những chiếc bánh nóng hổi ra lò, đẹp mắt, đầy đặn, ngon lành chinh phục cả những thực khách khó tính nhất.
4.2. Trung Bắc Restaurant - Cao Lầu Bánh Vạc
- Địa chỉ: 87 Trần Phú, phường Minh An, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam
- Giờ mở cửa tham khảo: 7:00 - 20:30
- Giá tham khảo: 50.000 - 100.000 VNĐ/ món
Trung Bắc Restaurant là nhà hàng đã tồn tại được khoảng 100 năm trên vùng đất phố cổ, trải qua 4 đời chủ và vẫn đang trên đà phát triển. Bên cạnh bánh bao, bánh vạc nổi tiếng, nhà hàng còn phục vụ rất nhiều món ăn đặc sản khác như cao lầu, chả giò, hoành thánh,...
4.3. Trống Cơm Restaurant
- Địa chỉ: số 92 đường Bạch Đằng, thành phố Hội An, Quảng Nam
- Giờ mở cửa tham khảo: 08:30 - 22:30
- Giá tham khảo: 50.000 - 100.000 VNĐ/ món
Trống Cơm là một nhà hàng thuần Việt phục vụ những món ăn mang đậm bản sắc dân tộc và giá trị truyền thống. Chính vì vậy, bánh hoa hồng trắng ở đây giữ nguyên vẹn vị bánh đặc trưng gia truyền. Bánh bao bánh vạc của nhà hàng có hương vị rất ấn tượng, thơm, mềm, dẻo và không hề bị ngấy.
>>>>Xem thêm Gợi ý 19 nhà hàng Hội An ngon nức tiếng không nên bỏ lỡ
Hội An có rất nhiều những món ăn ngon, ngoài bánh hoa hồng trắng, du khách có thể thưởng thức một số đặc sản khác như cơm gà, bánh da lợn, bánh ướt cuốn thịt nướng, cao lầu, bánh đập - hến xào, chè bắp,...
Đến Hội An, để trải nghiệm dịch vụ nghỉ dưỡng tiện nghi, hiện đại bậc nhất, bạn có thể tham khảo đặt phòng tại Vinpearl Resort & Golf Nam Hội An. Vinpearl Resort & Golf Nam Hội An có bãi biển riêng, view hướng trực tiếp ra biển, với phòng ốc sang trọng, tiện nghi chuẩn 5 sao
Vinpearl Resort & Golf Nam Hội An là một trong những quần thể du lịch nghỉ dưỡng tuyệt vời nhất tại Hội An. Cả khu resort mang dáng hình của đôi cánh buồm với màu sắc huyền thoại đặt trên bờ biển Bình Minh nguyên sơ dài 1.300m. Toàn bộ các Villa ở đây đều hướng biển, mang phong cách tươi mới, trẻ trung khoáng đạt của đại dương.
Bánh hoa hồng trắng Hội An không chỉ đem đến cho thực khách một trải nghiệm món ăn ngon, mà còn làm nhiệm vụ gìn giữ và lưu truyền lại nét ẩm thực truyền thống dân tộc qua nhiều thế hệ. Chính vì vậy, việc thưởng thức bánh bao bánh vạc khi đến Hội An, giới thiệu chúng đến bạn bè quốc tế cũng là một cách mà thực khách có thể làm để giúp sức bảo tồn giá trị của món ăn dân gian lâu đời này.